(VNT)Ngày 16/06/2014, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, số 47/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua, thay thế Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH.
(VNT)Ngày 16/06/2014, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, số 47/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua, thay thế Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật là quy định thị thực không được phép chuyển đổi mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng lại ở lại Việt Nam để lao động, sinh sống. Đồng thời, Luật cũng yêu cầu người nước ngoài đề nghị cấp thị thực vào Việt Nam để thực hiện đầu tư phải có giấy tờ chứng minh đầu tư tại Việt Nam; người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề và đặc biệt, người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động; vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam; theo đó người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam khi có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực; các trường hợp chưa được phép nhập cảnh gồm: Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ đi cùng; giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm; bị buộc xuất cảnh Việt Nam chưa quá 06 tháng; vì lý do thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Cũng theo Luật này, người nước ngoài được phép thường trú tại Việt Nam là người có công lao, được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước; là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị; là người đã tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên tại Việt Nam, được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh; người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước. Để được xét thường trú tại Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài này phải có chỗ ở hợp pháp, có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
Khi đã được thường trú tại Việt Nam, định kỳ 10 năm/lần, người nước ngoài phải đến Công an cấp tỉnh nơi thường trú để cấp đổi thẻ thường trú (trước đây là 3 năm/lần).
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.